Sau nhiều thập niên thể nghiệm không thành công, phim hình ảnh ba chiều (3D) bỗng trỗi dậy nhờ đột phá công nghệ, cuốn theo sự hăm hở của nhà làm phim và háo hức của người xem.
Lịch sử điện ảnh thế giới còn ghi cảnh tượng khán giả rồng rắn xếp hàng chờ xem bộ phim 3D đầu tiên vào năm 1953 (The House of Wax), rồi thời kỳ bùng nổ phim 3D vào những năm 80 của thế kỷ trước với những bộ phim như A Nightmare on Elm Street. Nhưng rồi khán giả nhanh chóng từ bỏ phim 3D, xem đó là một trò bịp bợm với những hình ảnh kém chất lượng, gây đau đầu, buồn nôn. Gần đây, tình hình đã thay đổi.
Những “ông lớn” nhập cuộc
Trong khi hai bậc thầy của Hollywood là Steven Spielberg và Peter Jackson đang quay phim truyện Tintin (chuyển thể từ loạt truyện tranh cùng tên) bằng công nghệ 3D thì hai “ông lớn” của nhánh phim hoạt hình là Disney và Pixar tuyên bố hợp tác làm thêm 8 bộ phim hoạt hình 3D từ nay đến năm 2012. Những phim này được phát hành ở rạp 3D và cũng có phiên bản phục vụ phòng chiếu 2D.
“Chúng tôi háo hức sử dụng thành tựu kỹ thuật 3D để dựng những câu chuyện theo cách hay nhất có thể”, John Lasseter, Trưởng bộ phận sáng tạo của Walt Disney và Pixar, nói.
Avatar cũng là phim truyện đầu tiên không thuộc thể loại hoạt hình được quay toàn bộ bằng kỹ thuật 3D
Hãng phát hành Megastar Việt Nam ước tính, có trên 30 phim 3D đang xếp hàng chuẩn bị ra rạp thời gian tới, trong đó có Up (ra mắt phiên bản 2D vào hè 2009), Tron 2.0, Alice in Wonderland, Saw VII, Toy Story 3, Shrek 4…
Tuy nhiên, bộ phim 3D được trông đợi nhất trong năm là Avatar của đạo diễn James Cameron, đánh dấu sự trở lại của ông 10 năm sau phim Titanic. Ông nói: “3D không chỉ là những gì bạn thấy, nó thực sự khiến bạn có cảm giác bước vào thế giới khác vậy”.
Avatar cũng là phim truyện đầu tiên không thuộc thể loại hoạt hình được quay toàn bộ bằng kỹ thuật 3D. Bộ phim này được Megastar lên lịch ra mắt khán giả Việt Nam vào tháng 12 tại hai phòng chiếu dành riêng cho phim 3D ở Megastar Hùng Vương (TP HCM) và Megastar Vincom (Hà Nội).
Làn sóng tiên phong
Daniel Glennon, đại diện truyền thông của hệ thống rạp Odeon ở Bắc Mỹ, nhận định: “Đang có một làn sóng các nhà làm phim tiên phong hướng đến công nghệ 3D và ngạc nhiên với tiềm năng khổng lồ của nó”.
Henry Selick, giám đốc một hãng phim cho biết, trong tương lai công ty ông sẽ làm phim bằng công nghệ 3D. “Chúng tôi phải quay một khung hình, rồi chuyển sang quay cho mắt kia, cứ mắt trái trước, mắt phải sau. Nó hơi chậm và tốn kém hơn một chút nhưng thực ra cũng không nhiều”, ông nói.
Người ta ước tính, nếu tốn khoảng 150 triệu USD để làm phim bình thường thì cần thêm 15 triệu USD nữa để biến nó thành 3D. Và khả năng sinh lợi từ 3D rất lớn khi số phòng chiếu loại phim này trên toàn cầu ngày càng tăng. Bằng chứng là phim hoạt hình Monsters vs Aliens (2009) đã được chiếu ở 5.000 phòng chiếu thông thường và 2.100 phòng chiếu 3D và phòng chiếu 3D mang về 56% tổng doanh thu của phim.
Hơn nữa, phim 3D làm giảm tình trạng đĩa bị sao chép bất hợp pháp. “90% số đĩa lậu là do người ta đem máy quay vào rạp. Họ không thể quay hình ảnh 3D”, Jeffery Katzenberg, Chủ tịch hãng Dream Works Animation, phát biểu trên CNN.
Nhân vật trong phim 3D Avatar. Ảnh: ropeofsilicon.com
Phim 2D vẫn sống tốt?
Đối với khán giả, sự thay đổi lớn là cặp kính đỏ và xanh to đùng trước đây được thay bằng sản phẩm đẹp hơn, giống như kính của phi công. Nhưng bước đột phá thực sự chính là ở công nghệ số.
Với phòng chiếu 3D hiện đại, nhân viên của rạp không còn phải đặt đồng thời hai máy chiếu để tạo hình ảnh riêng cho mỗi bên mắt nữa. Phim 3D được đưa vào một ổ đĩa cứng dung lượng lớn trong khi bộ điều chỉnh đặc biệt được đặt đằng trước máy chiếu, giúp tách riêng hình ảnh cho mắt phải và mắt trái.
Máy chiếu khi chạy không còn rung, khiến hình ảnh rõ ràng và người xem không còn cảm giác buồn nôn, đau đầu. “3D ngày nay hoàn hảo và hoàn toàn ổn định”, Nik Blair, Giám đốc kỹ thuật của chuỗi rạp chiếu Odeon Greenwich, nhận xét.
Tuy nhiên, 3D cũng có những mặt bất lợi nhất định. Quá trình phân cực tạo nên hiệu ứng ảo của 3D khiến hình ảnh bị tối, màu sắc kém rực rỡ. Ngoài ra, những người chỉ nhìn được bằng một mắt sẽ không thể thấy được hiệu ứng 3 chiều.
Một số người cho rằng 3D chỉ là một kiểu trang trí, không chính thống. “Đó là một trải nghiệm mới mẻ, nhưng phim hài vẫn cứ vui với 2D, phim hành động vẫn đầy hưng phấn với 2D, và những nhân vật vẫn sống với 2D. Nếu chúng ta xem đâu là phim lớn nhất trong năm, đó là Slumdog millionaire chứ không phải phim 3D. Và những phim giống như The Reader thì sẽ không ai làm 3D cả. Cho nên tôi nghĩ rằng sẽ tồn tại song song rạp chiếu 3D và 2D”, ông Daniel Glennon nói
Saturday, November 14, 2009
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
BThemes
News
No comments:
Post a Comment